Sự nghiệp Mustapha Adib

Giáo dục và nghiên cứu

Năm 2000, sau khi hoàn tốt quá trình học tập, Mustapha Adib bắt đầu sự nghiệp, trở thành giảng viên dạy trường Chiến tranh Beirut (Beirut War College) ở thủ đô quê nhà Beirut. Sau đó, ông tham gia hệ thống giáo dục đại học, dạy học ở nhiều trường khác nhau của LibanPháp. Các chuyên ngành giảng dạy của ông gồm Luật quốc tế, Luật hiến pháp, Quan hệ quốc tế, Địa chính trị, thông thạo tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Pháp.[11] Ông được bổ nhiệm làm Giáo sư toàn thời gian tại Đại học Liban (LU).

Năm 2004, Mustapha Adib trở thành Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (Center for Middle-Eastern Strategic Studies – CESMO) và từ đó bắt đầu tiến hành nhiều nghiên cứu kết hợp với Liên Hiệp Quốc, Trung tâm Kiểm soát Dân sự các Lực lượng vũ trang (Geneva DCAF),[Ghi chú 2] Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng nhiều trường đại học quốc tế khác. Ông tham gia soạn thảo và là tác giả của những tác phẩm như Middle-East and Western Asia, chương mục trong World Report on the State of Decentralization and Local Democracy,[Ghi chú 3] hợp tác với Đại học Paris. Bên cạnh đó, ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Luật quốc tế Liban (Lebanese Association for International Law – ALDI), Hiệp hội Khoa học chính trị Liban (Lebanese Political Science Association); thành viên của Hiệp hội cựu sinh viên Đại học Pháp (Association of French University Graduates), Hiệp hội Khoa học chính trị Ả Rập (Arab Political Science Association), Hiệp hội Luật hiến pháp quốc tế (International Constitutional Law Association), Hiệp đoàn Dân sự hòa bình (Observatory for Permanent Civil Peace).

Chính trị

Cùng với sự nghiệp giảng dạy, giáo dục, Mustapha Adib đồng thời hoạt động lĩnh vực chính trị. Từ năm 2000 – 2004, ông là trợ lý và cố vấn cho chính trị gia, tỷ phú Najib Mikati – hai người đều cùng quê hương Tripoli, tỉnh Bắc; công việc trao đổi, phụ tá cựu Tổng thống Émile Lahoud (1998 – 2007), đàm thoại và hoạt động với các đảng phái lớn tại Liban. Thời điểm này, Najib Mikati là nghị viên đại diện cho Tripoli của Nghị viện Liban và được bổ nhiệm làm Thủ tướng Liban thay thế cho Rafiq Hariri sau vụ ám sát 2005. Năm 2005, 2006, ông đại diện cho Thủ tướng Najib Mikati tham gia Ủy ban Phụ trách sửa đổi Luật bầu cử mới cho đất nước. Ban đầu, Najib Mikati đảm nhiệm vị trí Thủ tướng trong tình huống đặc biệt trong tháng 03 đến tháng 07 năm 2005, đến năm 2011, tái đắc cử giai đoạn 2011 – tháng 02 năm 2014. Khi nhậm chức lần thứ hai, Thủ tướng Najib Mikati đã bổ nhiệm Mustapha Adib làm Chánh văn phòng Nội các Liban. Ngày 18 tháng 07 năm 2013, ông chuyển chức vụ, được bổ nhiệm làm Đại sứ Liban tại Đức.[11] Ông trải qua bảy năm ở vị trí này, phụ trách đại diện cho Liban đàm phán,[12] phối hợp với Đức và được đánh giá có tư tưởng gần với phong cách các nước thế giới Tây Âu, trong đó có Pháp.[13]

Thủ tướng chỉ định của Liban

Ảnh Đại sứ Liban Mustapha Adib và vợ Flavia d’Amato (ngoài cùng bên phải) cùng vợ chồng Đại sứ Hoa Kỳ John B. Emerson tại Ngày độc lập Đức năm 2016.

Thập niên 2010, Liban đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, trước hết là cuộc khủng hoảng kinh tế và xung đột đối nội, đối ngoại. Tình hình hành pháp của Liban giai đoạn này không đạt được sự thống nhất, có tới bốn vị Thủ tướng trong 10 năm gồm Saad Hariri (2009 – 2011, 2016 – 2020), Najib Mikati (2011 – 2014), Tammam Salam (2014 – 2016), Hassan Diab (2020). Ngày 04 tháng 08 năm 2020, Vụ nổ tại Beirut 2020 diễn ra tại cảng của thành phố Beirut, khiến ít nhất 190 người chết, 6.500 người bị thương, tổng thiệt hại từ 10 – 15 tỷ USD, và ước tính gần 300.000 người mất nhà cửa, tạo ra chấn động lớn tới toàn thể đất nước Liban.[14] Ngày 10 tháng 08 năm 2020, Thủ tướng Hassan Diab từ chức bởi thiệt hại nghiêm trọng của vụ nổ trong tình thế phức tạp.

Thời điểm này, Phong trào Tương lai và một nhóm cựu Thủ tướng Liban đã ủng hộ và đề cử Mustapha Adib vào vị trí Thủ tướng ngày 30 tháng 08;[15] cựu Thủ tướng Najib Mikati là chính trị gia đầu tiên kiến nghị ông. Sau đó, Phong trào Tự do yêu nước kêu gọi ủng hộ ông, tái thiết nội các mới.[16] Ông cũng là ứng cử viên duy nhất được đề cử vào vị trí này tính đến ngày 30 tháng 08 năm 2020 và việc đề cử ông được cho là đã được ủng hộ bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đến Liban để đàm phán hòa bình và thảo luận về cải cách chính trị ở Liban.[17]

Vào ngày 31 tháng 08 năm 2020, Tổng thống Liban Michel Aoun bổ nhiệm Mustapha Adib, Đại sứ Liban tại Đức giữ vị trí tân Thủ tướng thứ 27 của Liban,[18] một ngày trước thời hạn ngày 01 tháng 09 năm 2020 do Tổng thống Pháp – quốc gia có ảnh hưởng lớn tới lịch sử và chính trị Liban đặt ra, người đã yêu cầu thay đổi chính trị hướng tới đất nước không có tham nhũng. Ông đã nhận được sự ủng hộ từ 90 trong số 120 vào ngày 31 tháng 08 năm 2020.[19]

Phát biểu tại cuộc họp báo ở dinh Tổng thống khi được chỉ định, Mustapha Adib nói:[20]

“Đây không phải là thời điểm dành cho những lời nói, lời hứa hay ước vọng. Đây là thời điểm của hành động. Đã đến lúc chúng ta kết hợp nỗ lực và chung tay để khôi phục cho người dân Liban”.[21][Ghi chú 4]

Ông cam kết nhanh chóng khởi động một chính phủ với các chính sách cải cách kinh tế và tài chính cần thiết.

Sau khi được chỉ định, Mustapha Adib bắt đầu công tác lãnh đạo hành chính, thành lập Nội các Chính phủ Liban. Tuy nhiên, Nội các của ông không thể thành lập vì mâu thuẫn tại Liban và ảnh hưởng nước ngoài, đặc biệt là Pháp.[22] Ngày 26 tháng 09 năm 2020, chỉ 27 ngày sau khi được chỉ định bổ nhiệm, Mustapha Adib đã từ chức Thủ tướng Liban vì không thể thành lập Nội các mới.[4]